Home / Event / Lectio Divina: Gioan 6:35-40

Lectio Divina: Gioan 6:35-40

Date: Thứ Tư 17 Tháng Tư, 2024
Time: 12:00 sáng - 12:00 sáng
Lectio Divina

Thứ Tư – Tuần III Mùa Phục Sinh

 

1.  Lời nguyện mở đầu

Lạy Chúa, là Cha của chúng con,

Ngài là Thiên Chúa trung tín

Ngay cả trong những thời gian thử thách cho Giáo Hội

Và cho mỗi một cá nhân chúng con;

Chúa ở bên cạnh chúng con,

Ngay cả khi chúng con không nhận thức được sự hiện diện của Chúa.

Xin ban cho chúng con một lòng tín thác không giới hạn vào Chúa

Và làm cho chúng con nhận thức hơn

Rằng Đức Giêsu Con Chúa là mục đích của cuộc sống chúng con

Và Người nuôi dưỡng chúng con bằng chính bản thân Người, 

Hôm nay, mỗi ngày, và mãi mãi.

2.  Bài Đọc Tin Mừng – Gioan 6:35-40 

Khi ấy, Chúa Giêsu phán với đám đông rằng:  “Chính Ta là bánh ban sự sống.  Ai đến với Ta sẽ không hề đói; ai tin vào Ta sẽ không hề khát bao giờ.  Nhưng Ta đã bảo các ngươi rằng:  Các ngươi đã thấy Ta, nhưng các ngươi không chịu tin.  Những ai Cha đã ban cho Ta sẽ đến với Ta.  Và ai đến với Ta, Ta sẽ không xua đuổi ra ngoài.  Bởi vì Ta từ trời xuống không phải để làm theo ý Ta, nhưng để làm theo ý Đấng đã sai Ta.  Vậy ý của Cha, Đấng đã sai Ta, là hễ sự gì Người đã ban cho Ta, Ta chẳng để mất, nhưng ngày sau hết, Ta sẽ cho nó sống lại.  Quả vậy, ý của Cha Ta là hễ ai thấy Con và tin vào Người thì có sự sống đời đời, và Ta sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết.”

3.  Suy Niệm

–  Ga 6:35-36: Ta là Bánh Ban Sự Sống.   Đám đông dân chúng nhiệt thành với viễn cảnh có bánh từ trời mà Chúa Giêsu nói đến và ban sự sống mãi mãi (Ga 6:33), nên thưa:  “Lạy Chúa, xin ban cho chúng tôi bánh đó luôn mãi!” (Ga 6:34).  Họ cho rằng Chúa Giêsu đang nói về một loại bánh đặc biệt nào đó.  Đây là lý do mà người ta muốn nhận được bánh này, đã hỏi xin:  “Xin ban cho chúng tôi bánh đó luôn mãi!”  Lời thỉnh cầu này của dân chúng khiến chúng ta nhớ đến cuộc trò chuyện của Chúa Giêsu với người phụ nữ Samaritan.  Chúa Giêsu đã nói rằng chị ấy có thể có trong người một suối nước hằng sống, tràn đầy sự sống đời đời, và người phụ nữ đã hỏi xin cách sốt sắng:  “Lạy Ông, xin cho tôi thứ nước ấy!” (Ga 4:15).  Người phụ nữ Samaritan không nhận ra rằng Chúa Giêsu không nói về nước uống vật chất.  Cũng như người ta không nhận ra rằng Chúa Giêsu đã không nói về bánh vật chất.  Bởi vì điều này, Chúa Giêsu trả lời rất rõ ràng:  “Chính Ta là bánh trường sinh!  Ai đến với Ta sẽ không hề phải đói; ai tin vào Ta sẽ chẳng khát bao giờ.”  Ăn bánh bởi trời cũng giống như tin vào Chúa Giêsu.  Và tin rằng Người đến từ trời như một mặc khải của Chúa Cha.  Đó là chấp nhận điều Người giảng dạy.  Nhưng người ta dù đã nhìn thấy Chúa Giêsu, vẫn không tin vào Người.  Chúa Giêsu biết được việc thiếu lòng tin và nói rằng:  “Các ngươi đã thấy Ta nhưng các ngươi không chịu tin.”

  Ga 6:37-40:  Thực hiện ý muốn của Đấng đã sai Thầy.  Sau cuộc đối thoại với người phụ nữ Samaritan, Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ của mình:  “Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thầy!” (Ga 4:34).  Ở đây, trong cuộc trò chuyện với đám đông dân chúng về bánh bởi trời, Chúa Giêsu cũng nhắc đến cùng một chủ đề:  “Ta từ trời xuống không phải để làm theo ý Ta, nhưng để làm theo ý Đấng đã sai Ta.  Vậy ý của Cha, Đấng đã sai Ta, là hễ sự gì Người đã ban cho Ta, Ta chẳng để mất, nhưng ngày sau hết, Ta sẽ cho nó sống lại.”  Và đây là lương thực nuôi sống người ta và ban cho người ấy sự sống.  Sự sống muôn đời bắt đầu từ đây, một sự sống mạnh mẽ hơn cái chết!  Nếu chúng ta thực sự đã sẵn sàng thi hành ý muốn của Chúa Cha, thì chúng ta sẽ không có khó khăn gì để nhận ra Chúa Cha hiện diện trong Chúa Giêsu.

–  Ga 6:41-43:  Người Do Thái xầm xì.  Bài Tin Mừng ngày mai bắt đầu với câu 44 (Ga 6:44-51) và bỏ qua các câu từ 41 đến 43.  Trong câu 41, bắt đầu cuộc trò chuyện với người Do Thái, những kẻ chỉ trích Chúa Giêsu.  Tại đây, chúng ta sẽ đưa ra một lời giải thích ngắn gọn về ý nghĩa của lời người Do Thái trong sách Tin Mừng Gioan để tránh việc đọc một cách hời hợt, có thể dấy lên trong lòng chúng ta, những Kitô hữu, một ý tưởng bài Do Thái.  Trước hết, cũng nên nhớ rằng Chúa Giêsu là người Do Thái và mãi mãi là người Do Thái (Ga 4:9).  Các môn đệ của Người là người Do Thái.  Các cộng đoàn Kitô hữu đầu tiên tất cả đều là người Do Thái, những người đã nhận Chúa Giêsu là Đấng Thiên Sai.  Chỉ có sau đó, dần dà, trong các cộng đoàn của người Môn Đệ Chúa Yêu, người Kitô hữu Hy Lạp bắt đầu được chấp nhận ngang hàng như người Do Thái.  Họ là những cộng đoàn cởi mở hơn.  Nhưng sự cởi mở này đã không được tất cả mọi người chấp nhận.  Một số Kitô hữu xuất thân từ nhóm người Biệt Phái đã muốn có sự “tách biệt” giữa người Do Thái và dân ngoại (Cv 15:5).  Tình hình trở nên nghiêm trọng sau khi thành Giêrusalem bị phá hủy vào năm 70.  Người Biệt Phái trở thành nhóm cai quản tôn giáo đương thời trong Do Thái giáo và bắt đầu đưa ra các chỉ thị hoặc chuẩn mực cho toàn thể Dân Chúa:  áp chế việc thờ phượng bằng tiếng Hy Lạp; chỉ chấp nhận văn bản Kinh Thánh bằng chữ Do Thái; chỉ định danh sách các sách thánh, và loại bỏ những sách bản dịch Kinh Thánh chỉ có trong chữ Hy Lạp: sách Tôbia, Giuđitha, Ét-te, Barúc, Khôn Ngoan, Huấn Ca và hai cuốn Mácabê:  tách biệt hoặc cô lập những ngoại kiều; không ăn bất kỳ thực phẩm nào bị nghi ngờ là ô uế hoặc đã dâng cúng lên các ngẫu tượng.  Tất cả những chuẩn mực này do người Biệt Phái đặt ra đã có một số hậu quả đối với các cộng đoàn người Do Thái đã chấp nhận Chúa Giêsu là Đấng Cứu Thế.  Những cộng đoàn này đã trải qua rất nhiều.  Sự cởi mở đối với dân ngoại đã không thể đảo ngược.  Sách Kinh Thánh bằng chữ Hy Lạp đã được dùng trong một thời gian dài.  Vì thế, dần dần, sự tách biệt lẫn nhau giữa Kitô giáo và Do Thái giáo ngày càng gia tăng.  Trong những năm 85-90, chính quyền Do Thái bắt đầu đối xử phân biệt những ai tiếp tục nhận Chúa Giêsu Nagiarét là Đấng Thiên Sai (Mt 5:11-12; 24:9-13).  Những người tiếp tục duy trì đức tin vào Chúa Giêsu đã bị trục xuất khỏi Hội Đường (Ga 9:34).  Nhiều cộng đoàn Kitô hữu lo sợ việc trục xuất này (Ga 9:22) vì điều đó có nghĩa là mất đi sự hỗ trợ của một tổ chức truyền thống và mạnh mẽ như Hội Đường Do Thái.  Những người bị trục xuất đã mất các đặc quyền pháp lý mà người Do Thái đã tranh đấu và giành được qua nhiều thế kỷ dưới sự cai trị của Đế Chế.  Những người bị trục xuất thậm chí mất đi khả năng được chôn cất tử tế.  Đó là một rủi ro rất lớn.  Tình trạng xung đột này tại cuối thế kỷ thứ nhất đã gây ra hậu quả trong việc mô tả cuộc xung đột giữa Chúa Giêsu với người Biệt Phái.  Khi sách Tin Mừng Gioan nói về người Do Thái, ông không nói về tất cả người Do Thái, mà ông đang nghĩ nhiều hơn về thiểu số người Biệt Phái có thẩm quyền, những kẻ đã trục xuất các Kitô hữu ra khỏi Hội Đường trong những năm 85-90, vào thời điểm sách Tin Mừng được viết.  Chúng ta không thể để cho điều khẳng định này về người Do Thái khiến cho chủ nghĩa bài Do Thái nảy sinh giữa các Kitô hữu.     

4.  Một vài câu hỏi cá nhân

  Chủ nghĩa bài Do Thái:  hãy nhìn kỹ vào chính mình và cố gắng làm tróc rễ mọi thứ còn sót lại của chủ nghĩa bài Do Thái.

 Ăn bánh bởi trời có nghĩa là tin vào Chúa Giêsu.  Làm thế nào để tất cả điều này giúp tôi sống Bí Tích Thánh Thể tốt đẹp hơn?

5.  Lời nguyện kết

Cả trái đất, hãy tung hô Chúa,

Đàn hát lên mừng Danh Thánh rạng ngời,

Nào dân lời ca tụng tôn vinh!

Hãy thưa cùng Thiên Chúa:

“Khủng khiếp thay, sự nghiệp của Ngài!

Trước thần lực uy hùng, địch thù khúm núm.”

(Tv 66:1-3)

Check Also

Thắp nến cầu nguyện cho người thân yêu đã qua đời

Date: Time: - THẮP NẾN CẦU NGUYỆN CHO CÁC LINH HỒN Cầu nguyện cho người …