Home / Event / Lectio Divina: Lễ Đức Mẹ Dâng Mình Trong Đền Thờ

Lectio Divina: Lễ Đức Mẹ Dâng Mình Trong Đền Thờ

Date: Thứ Năm 21 Tháng Mười Một, 2024
Time: 12:00 sáng - 12:00 sáng
Lectio Divina

Mùa Thường Niên

Lc 21:1-4

1.  Lời nguyện mở đầu

Lạy Chúa,

xin Chúa hãy gia tăng lòng hăng hái làm theo ý Chúa của chúng con

và giúp chúng con biết quyền năng cứu độ của tình yêu Chúa.

Chúa hằng sống hằng trị cùng với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần,

một Thiên Chúa, đến muôn thuở muôn đời.  Amen.

2.  Bài Đọc Tin Mừng – Luca 21:1-4

Khi ấy, ngước mắt lên nhìn, Đức Giêsu thấy những người giàu đang bỏ tiền dâng cúng của họ vào thùng tiền.  Người cũng thấy một bà góa túng thiếu bỏ vào đó hai đồng tiền kẽm.  Người liền nói:  “Thầy bảo thật anh em, bà góa nghèo này đã bỏ nhiều hơn ai hết.  Quả vậy, tất cả những người kia đều rút từ tiền dư bạc thừa của họ, mà bỏ vào dâng cúng; còn bà này, thì rút từ cái túng thiếu của mình, mà bỏ vào đó tất cả những gì bà có để nuôi sống mình.”

3.  Suy Niệm

  Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu lên tiếng khen ngợi về bà góa nghèo là người biết cách chia sẻ nhiều hơn những kẻ giàu có.  Ngày nay, nhiều người nghèo cũng làm như vậy.  Người ta nói:  “Người nghèo không bỏ đói người nghèo cho đến chết bao giờ.”  Tuy nhiên, dù rằng thỉnh thoảng việc này là điều không thể.  Một người phụ nữ đã đến sống ở miền quê ngoại ô của một thành phố ở Ba-tây, Paraiba, cho biết:  “Ở miền quê, dân chúng thì nghèo, nhưng họ luôn có một cái gì đó để chia sẻ với kẻ túng thiếu đến gõ cửa nhà họ.  Bây giờ tôi đang sống trong thành phố ở đây, khi tôi thấy một người nghèo đến gõ cửa, thì tôi lại chạy trốn vì tôi cảm thấy xấu hổ, bởi vì tôi không có một thứ gì trong nhà để chia sẻ với người ấy!  Một mặt, có những người giàu có, có tất cả mọi thứ, nhưng không biết làm thế nào để chia sẻ; mặt khác, có những người nghèo khó, hầu như không có gì, nhưng lại muốn chia sẻ những ít ỏi mà họ có.

  Lúc đầu, trong Giáo Hội, đại đa số các cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi, được thành lập bởi những người nghèo khó (1Cr 1:26).  Sau đó một thời gian ngắn, những người khá giả cũng gia nhập các cộng đoàn này, và điều này gây ra một số vấn đề.  Những căng thẳng xã hội hiện diện trong Đế quốc Rôma cũng đã bắt đầu xuất hiện trong đời sống cộng đoàn.  Điều đó tự nó xảy ra, ví dụ, khi họ họp nhau để cùng cử hành bữa ăn tối (1Cr 11:20-22), hoặc khi họ tổ chức các cuộc hội họp (Gc 2:1-4).  Đây là lý do, lời giáo huấn về hành động của bà góa thì rất thực tiễn, cả cho các Kitô hữu bấy giờ lẫn cho chúng ta ngày nay nên noi theo.

  Lc 21:1-2:  Đồng tiền kẽm của bà góa.   Chúa Giêsu đang đứng trước thùng tiền của Đền Thờ và quan sát những người bỏ tiền dâng cúng vào trong thùng tiền,  Những người nghèo đã bỏ vào một vài đồng xu, kẻ giàu có thì dâng cúng số tiền lớn.  Thùng tiền của Đền Thờ nhận được rất nhiều tiền.  Tất cả mọi người đều dâng cúng một số tiền để duy trì việc thờ phượng, để hỗ trợ các giáo sĩ và bảo tồn đền thờ.  Một phần số tiền này được dùng để giúp đỡ người nghèo, bởi vì vào thời đó không có chương trình an sinh xã hội.  Người nghèo đã sống nhờ vào lòng quảng đại từ thiện của công chúng.  Những người có nhu cầu nhiều nhất là các trẻ mồ côi và góa phụ.  Mọi việc, họ sống nhờ vào lòng bác ái của người khác, nhưng ngay cả theo phương cách này, họ vẫn cố gắng chia sẻ với người khác những gì ít ỏi mà họ có.  Vì thế, một bà góa rất nghèo đã dâng cúng phần của mình vào trong thùng tiền của Đền Thờ; chỉ hai đồng xu!

  Lc 21:3-4:  Lời nhận xét của Chúa Giêsu.  Phần nào thì có giá trị hơn:  vài đồng xu của bà góa hay là số tiền lớn của người giàu?  Theo đại đa số, tiền của người giàu thì có hữu ích cho việc từ thiện hơn là vài đồng xu của bà góa.  Ví dụ, các môn đệ nghĩ rằng vấn đề của dân chúng chỉ có thể được giải quyết với thật nhiều tiền.  Vào dịp bánh hóa nhiều, các ông đã đề nghị đi mua bánh để nuôi dân chúng (Lc 9:13; Mc 6:37).  Ông Philípphê đã nói rằng:  “Có mua đến hai trăm quan tiền bánh cũng chẳng đủ cho mỗi người một chút” (Ga 6:7).  Trong thực tế, đối với những ai suy nghĩ giống như thế, hai đồng xu của bà góa chẳng làm được việc gì.  Nhưng Chúa Giêsu lại nói:  “Thầy bảo thật anh em, bà góa nghèo này đã bỏ nhiều hơn ai hết.”  Chúa Giêsu có những tiêu chuẩn khác biệt.  Gợi sự chú ý của các môn đệ về hành động của bà góa, Người dạy cho các ông và cho chúng ta phải tìm kiếm các biểu hiện ý muốn của Thiên Chúa ở đâu:  ở người nghèo khó và ở lòng chia sẻ.  Đây là tiêu chuẩn rất quan trọng:  “Quả vậy, tất cả những người kia đều rút từ tiền dư bạc thừa của họ, mà bỏ vào dâng cúng; còn bà này, thì rút từ cái túng thiếu của mình, mà bỏ vào đó tất cả những gì bà có để nuôi sống mình.”

  Bố thí, chia sẻ, sự giàu có.  Thực thi việc bố thí thì rất quan trọng đối với người Do Thái.  Nó được coi là một “việc lành phúc đức”, bởi vì lề luật của Cựu Ước nói rằng:  “Vì trong đất của anh em sẽ không thiếu người nghèo, nên tôi truyền cho anh em:  hãy mở rộng tay giúp người anh em khốn khổ, nghèo khó của anh em, trong miền đất của anh em” (Đnl 15:11).  Tiền bố thí được bỏ vào trong thùng tiền tại Đền Thờ, cho dù dành cho việc thờ phượng hay dành cho người nghèo khó, trẻ mồ côi hoặc các quả phụ, được xem là một hành động đẹp lòng Thiên Chúa (Gv 35:2; xem Gv 17:17; 29:12; 40:24).  Làm bố thí là cách để công nhận rằng tất cả các của cải thế gian thuộc về Thiên Chúa và chúng ta chỉ những người cai quản những món quà này.  Nhưng xu hướng tích tụ của cải tiếp tục hiện hữu và vẫn còn hiện hữu rất mạnh mẽ; nó luôn lại dấy lên trong lòng nhân loại.  Việc hoán cải thì luôn cần thiết.  Đây là lý do mà Chúa Giêsu đã nói với người thanh niên giàu có:  “Anh hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo!” (Mc 10:21).  Trong các sách Tin Mừng khác, điều kiện tương tự cũng được lặp lại:  “Hãy bán tài sản của mình đi mà bố thí.  Hãy sắm lấy những túi tiền không hề cũ rách, một kho tàng không thể hao hụt ở trên trời, nơi kẻ trộm không bén mảng, mối mọt không đục phá” (Lc 12:33-34; Mt 6:9-20).  Việc thực hành chia sẻ và liên đới là một trong những đặc điểm mà Thần Khí Chúa Giêsu muốn thực hiện trong cộng đoàn.  Kết quả của việc lan tỏa Chúa Thánh Thần trong ngày Lễ Ngũ Tuần là:  “Trong cộng đoàn, không ai phải thiếu thốn, vì tất cả những người có ruộng đất nhà cửa, đều bán đi, lấy tiền, đưa cho các Tông Đồ” (Cv 4:34-35a; 2:44-45).  Số tiền này được đặt dưới chân các Tông Đồ đã không được tích lũy nhưng “nó đã được phân phát cho mỗi người, tùy theo nhu cầu” (Cv 4:35b; 2:45).  Sự tham gia của những người giàu có vào các cộng đoàn Kitô hữu, một mặt tạo cơ hội cho việc phát triển Kitô giáo, tạo điều kiện tốt hơn cho những chuyến đi truyền giáo.  Nhưng mặt khác, xu hướng tích lũy đã cản trở việc tiến hành tinh thần đoàn kết và chia sẻ.  Thánh Giacôbê đã giúp cho người ta nhận thức được nếu họ đang đi lạc đường:  “Giờ đây, hỡi những kẻ giàu có!  Các ngươi hãy than van rên rỉ về những tai họa sắp đổ trên đầu các ngươi.  Tài sản của các ngươi đã hư nát, quần áo của các ngươi đã bị mối ăn” (Gc 5:1-3).  Để thực hiện đường lối Nước Trời, tất cả mọi người cần phải trở thành học trò của bà góa nghèo đó, người đã chia sẻ với người khác những gì bà có để nuôi sống mình (Lc 21:4).

4.  Một vài câu hỏi gợi ý

  Đâu là những khó khăn và những niềm vui mà bạn tìm thấy trong cuộc sống thực hành sự đoàn kết và chia sẻ với những người khác của bạn?

  Làm thế nào mà hai đồng xu của bà góa mà lại có giá trị hơn số tiền lớn của người giàu được?  Sứ điệp của văn bản này cho chúng ta ngày nay là gì?

5.  Cầu nguyện:

Hãy nhìn nhận CHÚA là Thượng Đế,

chính Người dựng nên ta, ta thuộc về Người,

ta là dân Người, là đoàn chiên Người dẫn dắt.

(Tv 100:3)

Check Also

CƠ HỘI ĐỂ BIẾT

Date: Time: - CƠ HỘI ĐỂ BIẾTTuần 18 TN-B: Ga 6, 24-35Cha ông ta có …