Home / Event / Lectio Divina: Luca 9:22-25

Lectio Divina: Luca 9:22-25

Date: Thứ Năm 15 Tháng Hai, 2018
Time: 12:00 sáng - 12:00 sáng
Lectio Divina | Lectio Divina Năm B

Thứ Năm sau Lễ Tro

Mùa Chay                                                             

 

1.  Lời nguyện mở đầu

Lạy Chúa là Thiên Chúa của chúng con,

Chúa yêu thương chúng con và mời gọi chúng con

chia sẻ trong đời sống và niềm hân hoan của Chúa,

qua một quyết định cá nhân.

Xin Chúa hãy giúp chúng con lựa chọn Chúa và cuộc sống

Và hằng luôn trung thành với sự chọn lựa căn bản này

Bởi quyền năng của Đức Giêsu Kitô, Con Chúa,

Đấng trung thành với Chúa và với chúng con

Bây giờ và đến muôn đời.

 

2.  Phúc Âm – Luca 9:22-25

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Con Người phải đau khổ nhiều, bị các vị Kỳ lão, các Thượng tế, và các Luật sĩ khai trừ và giết chết, nhưng ngày thứ ba Người sẽ sống lại”.

Chúa nói với mọi người rằng: “Ai muốn theo Ta, hãy bỏ mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo Ta. Vì chưng, ai muốn giữ mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai mất mạng sống vì Ta, sẽ được sống. Vậy nếu con người được lời lãi cả thế gian, mà phải thiệt mất mạng sống, thì được ích gì?”

 

3.  Suy Niệm

Hôm qua chúng ta đã bước vào Mùa Chay. Cho đến bây giờ, phần Phụng Vụ hằng ngày được trích theo Tin Mừng Máccô, từng bước một. Bắt đầu từ ngày hôm qua cho đến lễ Phục Sinh, thứ tự các bài đọc trong ngày sẽ được dựa theo truyền thống cổ xưa của Mùa Chay và của việc chuẩn bị cho Đại Lễ Phục Sinh. Ngay từ ngày thứ nhất, quan điểm về Cuộc Thương Khó, Cái Chết và Sự Phục Sinh và về ý nghĩa của mầu nhiệm này cho đời sống chúng ta. Đây là những gì được trình bày trong bài Tin Mừng rất ngắn gọn hôm nay. Văn bản nói về Cuộc Thương Khó, Cái Chết và Sự Sống Lại của Chúa Giêsu và khẳng định điều Chúa Giêsu giả định sau đây rằng chúng ta vác thập giá của mình mà theo Chúa Giêsu.

Trước đó, trong sách Tin Mừng Luca chương 9:18-21, Chúa Giêsu hỏi các môn đệ: “Dân chúng nói Thầy là ai?” Ông Phêrô trả lời: “Thầy là Đấng Kitô của Thiên Chúa”, có nghĩa là, Chúa là Đấng mà người ta mong đợi! Chúa Giêsu đồng ý với ông Phêrô, nhưng Người nghiêm giọng truyền cho các ông không được nói điều ấy với bất cứ ai. Tại sao Chúa Giêsu cấm các ông điều này? Bởi vì vào lúc bấy giờ, mọi người đang mong đợi Đấng Cứu Thế, nhưng mỗi người nghĩ theo ý riêng của mình: một số người mong Đấng Cứu Thế là một vị vua, những người khác thì mong Đấng Cứu Thế là một thày cả, luật sĩ, chiến sĩ, quan án hay tiên tri! Chúa Giêsu nghĩ theo một cách khác. Người tự nhận mình là Đấng Cứu Thế, tôi tớ và đau khổ, đã được loan báo bởi ngôn sứ Isaia (Is 42:1-9; 52:13-53; 12).

Lời loan báo đầu tiên về Cuộc Thương Khó. Đức Giêsu bắt đầu giảng dạy rằng Người là Đấng Cứu Thế, Người Tôi Tớ và khẳng định rằng, Người là Đấng Thiên Sai, Người Tôi Trung, đã được loan báo bởi ngôn sứ Isaia, Người sớm sẽ bị bức tử trong việc thực hiện sứ vụ công chính của mình (Is 49:4-9; 53:1-12). Luca thường viết theo sát Tin Mừng của Máccô, nhưng tại đây ông bỏ qua phản ứng của thánh Phêrô là người đã can ngăn Chúa Giêsu hoặc đã cố thuyết phục Người đừng nghĩ về Đấng Thiên Sai đau khổ và ông cũng bỏ qua phản ứng cứng rắn của Chúa: “Satan, lui lại đàng sau Thầy! Vì suy nghĩ của anh không phải là suy nghĩ của Thiên Chúa, mà là của loài người!” Satan, một chữ theo tiếng Do Thái có nghĩa là kẻ cáo buộc, là kẻ làm cho những người khác lạc xa khỏi con đường của Thiên Chúa. Đức Giêsu đã không cho phép Phêrô làm lạc xa khỏi sứ vụ của mình.

Điều kiện để đi theo Chúa Giêsu. Chúa Giêsu rút ra những kết luận còn giá trị cho đến tận cả ngày nay: “Ai muốn theo Ta, hãy bỏ mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo Ta.” Vào thời ấy, thập giá là án tử hình mà Đế quốc La Mã đã dành cho những phạm nhân cùng đinh. Vác thập giá và đi theo Chúa Giêsu thì cũng giống như chấp nhận bị thiệt thòi bởi guồng máy bất công đã hợp pháp hóa những bất công. Nó cũng giống như thoát ly khỏi hệ thống. Như thánh Phaolô đã viết trong thư gửi cho các tín hữu Galát: “Thế gian đã bị đóng đinh vào thập giá đối với tôi, và tôi đối với thế gian” (Ga 6:14). Thập giá không phải là định mệnh, cũng chẳng phải là một nhu cầu cấp bách từ Chúa Cha. Thập giá là hậu quả của việc tự nguyện dấn thân của Chúa Giêsu để mặc khải Tin Mừng rằng Thiên Chúa là Cha, và do đó, tất cả chúng ta phải được chấp nhận và được đối xử như anh chị em. Bởi vì lời loan báo cách mạng này, mà Người đã bị bức hại và Người đã không lo sợ mà cống hiến mạng sống mình. Không có một bằng chứng tình yêu nào cao cả hơn là Đấng thí mạng sống mình vì anh em.

 

4.  Một vài câu hỏi gợi ý cho việc suy gẫm cá nhân

Mọi người đang mong chờ Đấng Thiên Sai, mỗi người mong chờ theo cách riêng của mình. Tôi đang mong chờ Đấng Thiên Sai như thế nào và người ta ngày nay mong đợi Đấng Thiên Sai nào?

Điều kiện để đi theo Chúa Giêsu là cây thập giá. Tôi phản ứng ra sao trước thập giá của cuộc sống?

 

5.  Lời nguyện kết

Phúc thay người chẳng nghe theo lời bọn ác nhân,
chẳng bước vào đường quân tội lỗi,
không nhập bọn với phường ngạo mạn kiêu căng,
nhưng vui thú với lề luật CHÚA,
nhẩm đi nhẩm lại suốt đêm ngày.

(Tv 1:1-2)

Check Also

CƠ HỘI ĐỂ BIẾT

Date: Time: - CƠ HỘI ĐỂ BIẾTTuần 18 TN-B: Ga 6, 24-35Cha ông ta có …