Thứ Tư Tuần II Mùa Chay
1. Lời nguyện mở đầu
Lạy Chúa là Thiên Chúa chúng con,
Các ngôn sứ của Chúa nhắc nhở chúng con
Trong mùa và ngoài mùa
Về trách nhiệm của chúng con đối với Chúa
Và đối với thế giới loài người.
Khi người ta làm phiền và gây khó chịu cho chúng con,
Xin hãy để cho đó là một sự xáo trộn thánh thiện
Khiến chúng con thao thức, thiết tha làm theo thánh ý Chúa
Và đem lại công lý và tình yêu thương xung quanh chúng con.
Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con.
2. Phúc Âm – Mátthêu 20:17-28
Khi ấy, Chúa Giêsu đi lên Giêrusalem, đem riêng mười hai môn đệ đi theo. Dọc đường, Người nói với họ: “Này chúng ta lên Giêrusalem và Con Người sẽ bị nộp cho các vị thượng tế và luật sĩ. Người ta sẽ lên án tử cho Người, sẽ nộp Người cho dân ngoại để chúng nhạo báng, đánh đòn, rồi treo Người lên thập giá, nhưng đến ngày thứ ba, Người sẽ sống lại”.
Bấy giờ bà mẹ các con ông Giêbêđê cùng với hai con đến gặp Người. Bà sấp mình xuống lạy Người, có ý xin Người điều chi đó. Người hỏi: “Bà muốn gì”. Bà ta thưa lại: “Xin Ngài hãy truyền cho hai con tôi đây được ngồi một đứa bên hữu, một đứa bên tả Ngài, trong Nước Ngài”. Chúa Giêsu đáp lại: “Các ngươi không biết điều các ngươi xin. Các ngươi có thể uống chén mà ít nữa đây Ta sắp uống chăng?” Họ nói với Người: “Thưa được”. Người bảo họ: “Vậy các ngươi sẽ uống chén của Ta, còn việc ngồi bên hữu hay bên tả, thì không thuộc quyền Ta ban, nhưng Cha Ta đã chuẩn bị cho ai, thì người ấy mới được”.
Nghe vậy, mười người kia tỏ ra bất bình với hai anh em. Chúa Giêsu gọi họ lại mà bảo: “Các con biết thủ lãnh của các dân tộc thì thống trị họ và những người làm lớn thi hành quyền trên họ. Giữa các con thì không được thế. Trong các con, ai muốn làm lớn, thì hãy phục vụ các con, và ai muốn cầm đầu trong các con, thì hãy làm tôi tớ các con. Cũng như Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng để phục vụ và phó mạng sống làm giá chuộc cho nhiều người”.
3. Suy Niệm
– Bài Tin Mừng hôm nay trình bày ba điểm: lời tiên báo Cuộc Thương Khó lần thứ ba (Mt 20:17-19), lời cầu xin của bà mẹ các con ông Giêbêđê (Mt 20:20-23) và cuộc thảo luận của các môn đệ về chỗ ngồi trước nhất (Mt 20:24-28).
– Mt 20:17-19: Lời tiên báo lần thứ ba về Cuộc Thương Khó. Đi lên Giêrusalem, Đức Giêsu đi trước các môn đệ. Chúa biết rằng Người sắp sửa bị hành hình. Tiên tri Isaia đã loan báo điều này (Is 50:4-6; 53:1-10). Cái chết của Chúa không phải là thành quả của một kế hoạch đã được vạch trước, mà là hậu quả của việc quyết tâm thực hiện sứ vụ được nhận lãnh từ Chúa Cha, để được ở bên cạnh những kẻ bị loại trừ vào thời ấy. Đây là lý do tại sao Chúa Giêsu nói với các môn đệ về việc tra tấn và cái chết mà Người sẽ phải đối diện tại Giêrusalem. Người môn đệ nên noi gương Thầy, dù rằng người ấy phải chịu đựng đau khổ như thầy mình. Các môn đệ đã sợ hãi và tháp tùng Người trong lo sợ. Các ông không hiểu được những gì đang xảy ra (xem Lc 18:34). Sự đau khổ không tương ứng với ý tưởng mà họ đã có về Đấng Cứu Thế (xem Mt 16:21-23).
– Mt 20:20-21: Lời cầu xin của người mẹ để có được những chỗ tốt nhất cho các con bà. Các môn đệ không những không hiểu được tầm quan trọng và ý nghĩa của sứ điệp của Chúa Giêsu, mà họ còn tiếp tục với những tham vọng cá nhân của riêng mình. Khi Chúa Giêsu nhấn mạnh về việc phục vụ và món quà chính thân mình, họ tiếp tục cầu xin cho được những chỗ nhất trong Nước Trời. Bà mẹ của các ông Giacôbê và Gioan, đi cùng với hai con của bà, đến gần Chúa Giêsu. Cả hai đã không hiểu được lời đề nghị của Chúa Giêsu. Họ chỉ lo lắng về lợi ích riêng của họ. Đây là dấu hiệu cho thấy tư duy thống trị thời ấy đã thấm nhập sâu xa vào trong tâm lý của các môn đệ. Mặc dù trên thực tế đã sống cùng với Chúa Giêsu trong mấy năm trường, các ông vẫn chưa đổi mới cách nhìn của mình về các sự việc. Các ông vẫn nhìn Chúa Giêsu như mọi khi, với cái nhìn cố hữu. Các ông muốn được thưởng công cho việc đi theo Chúa Giêsu. Những mối căng thẳng tương tự đã hiện hữu trong các cộng đoàn thời ông Mátthêu và chúng vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay trong các cộng đoàn của chúng ta.
– Mt 20:22-23: Câu trả lời của Chúa Giêsu: Chúa phản ứng cách mạnh mẽ: “Các ngươi không biết điều các ngươi xin!” Và Người đặt câu hỏi liệu họ có thể uống được chén mà Người, Chúa Giêsu, sắp uống và liệu họ có sẵn sàng nhận lãnh phép rửa mà Người sẽ nhận lãnh không. Đó là chén đau khổ, phép rửa bằng máu! Chúa Giêsu muốn biết rằng, thay vì được chỗ danh dự, các ông có sẽ chấp nhận từ bỏ mạng sống mình không. Cả hai đều đáp lại: “Thưa được!” Nó có vẻ như là câu trả lời đã không xuất phát từ trong lòng họ, bởi vì chỉ vài ngày sau đó, họ đã bỏ rơi Chúa Giêsu và để mặc Người một mình trong giờ khắc đau khổ (Mc 14:50). Các ông không có nhận thức quan trọng tối cần, các ông không nhận thức được thực tại cá nhân của mình. Về việc liên quan đến chỗ nhất, chỗ danh dự, trong Nước Trời ở bên cạnh Chúa Giêsu, Đấng có quyền ban điều này là Chúa Cha. Những gì chính Chúa Giêsu có thể ban cho là chén đắng và phép rửa, đau khổ và thập giá.
– Mt 20:24-27: Giữa các con thì không được như thế: một lần nữa, Chúa Giêsu nói về việc thực hiện quyền bính (xem Mc 9:33-35). Vào thời ấy, những ai nắm giữ quyền lực thì không kể gì đến người dân. Họ làm theo ý họ (xem Mc 6:27-28). Đế quốc La Mã kiểm soát thế giới và duy trì sự thuần phục của nó bằng sức mạnh khí giới, và trong cách này, nhờ vào việc cống nạp, sưu thuế, đã thành công trong việc tập trung của cải của dân chúng ở trong tay một số ít người tại Rôma. Xã hội được biểu thị bởi những đàn áp và lạm dụng quyền lực. Chúa Giêsu đã có một đề nghị hoàn toàn khác nhau. Người nói: “Giữa các con thì không được thế. Trong các con, ai muốn làm lớn, thì hãy phục vụ các con, và ai muốn cầm đầu trong các con, thì hãy làm tôi tớ các con!” Chúa Giêsu truyền dạy tương phản lại đặc quyền và sự cạnh tranh. Người muốn thay đổi guồng máy và khẳng định sự thực rằng phục vụ là phương thuốc chống lại tham vọng cá nhân.
– Mt 20:28: Lời tóm tắt về cuộc đời của Chúa Giêsu. Chúa Giêsu xác định sứ vụ và cuộc sống của mình: “Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng để phục vụ!” Người đã đến để hiến mạng sống mình làm giá chuộc cho nhiều người. Người là Đấng Cứu Thế Tôi Tớ, được loan báo bởi Tiên Tri Isaia (xem Is 42:1-2; 49:1-6; 50:4-9; 52:13 – 53:12). Người đã học được từ Mẹ của mình là người đã nói: “Vâng, đây là nữ tỳ của Chúa” (Lc 1:38). Một điều đề nghị hoàn toàn mới mẻ cho xã hội thời đó.
4. Một vài câu hỏi gợi ý cho việc suy gẫm cá nhân
– Các ông Giacôbê và Gioan cầu xin một đặc ân, Chúa Giêsu hứa hẹn sự đau khổ. Và tôi, tôi cầu xin gì với Chúa Giêsu trong lời cầu nguyện của tôi? Tôi chấp nhận đau khổ, những đau đớn và muộn phiền xảy đến trong cuộc đời tôi như thế nào?
– Chúa Giêsu dạy: “Giữa các con thì không được như thế!” Cách tôi sống trong cộng đoàn có làm theo lời khuyên bảo này của Chúa Giêsu không?
5. Lời nguyện kết
Lưới kẻ thù giăng, xin gỡ con ra khỏi,
Vì nơi con trú ẩn, chính là Ngài.
Trong tay Ngài, con xin phó thác hồn con,
Ngài đã cứu chuộc con, lạy CHÚA TRỜI thành tín.
(Tv 31:4-5)