Home / Event / Lectio Divina: Mátthêu 4:12-17, 23-25

Lectio Divina: Mátthêu 4:12-17, 23-25

Date: Thứ Hai 6 Tháng 1, 2025
Time: 12:00 sáng - 12:00 sáng
Lectio Divina

Mùa Giáng Sinh

 

1.  Lời nguyện mở đầu

Lạy Chúa, xin để cho ánh sáng huy hoàng của Chúa chiếu rọi trong chúng con,

và dẫn đưa chúng con qua cảnh tối tăm của thế gian này

tiến về niềm vui rạng rỡ của quê đời đời của chúng con.

Chúng con cầu xin nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng con, Con của Chúa,

Đấng hằng sống và hằng trị cùng với Chúa và Chúa Thánh Thần

một Thiên Chúa, đến muôn thuở muôn đời.  Amen.

2.  Bài Đọc – Trích Tin Mừng theo Mátthêu 4:12-17, 23-25

Khi Đức Giêsu nghe tin ông Gioan đã bị nộp, Người lánh qua miền Galilê.  Rồi Người bỏ Nagiarét, đến ở Caphárnaum, một thành ven biển hồ Galilê, thuộc địa hạt Zebulun và Náphtali để ứng nghiệm lời ngôn sứ Isaia nói:  Này đất Zebulun, và đất Náphtali, hỡi con đường ven biển, và vùng tả ngạn sông Giođan, hỡi Galilê, miền đất của dân ngoại!  Đoàn dân đang ngồi trong cảnh tối tăm đã thấy một ánh sáng huy hoàng, những kẻ đang ngồi trong vùng bóng tối của tử thần nay được ánh sáng bừng lên chiếu rọi. 

Từ lúc đó, Đức Giêsu bắt đầu rao giảng và nói rằng:  “Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần.”

Thế rồi Đức Giêsu đi khắp miền Galilê, giảng dạy trong các hội đường, rao giảng Tin Mừng Nước Trời, và chữa hết mọi kẻ bệnh hoạn tật nguyền trong dân. 

Danh tiếng Người đồn ra khắp xứ Syria.  Thiên hạ đem đến cho Người mọi kẻ ốm đau, mắc đủ thứ bệnh hoạn tật nguyền:  những kẻ bị quỷ ám, kinh phong, bại liệt; và Người đã chữa họ.  Từ miền Galilê, vùng Thập Tỉnh, thành Giêrusalem, miền Giuđêa và vùng bên kia sông Giođan, dân chúng lũ lượt kéo đến đi theo Người. 

3.  Suy Niệm

*  Một ít dữ kiện ngắn gọn về mục tiêu của Tin Mừng Mátthêu.  Tin Mừng Mátthêu được viết trong thời gian hậu bán thế kỷ thứ nhất nhằm khích lệ cộng đoàn nhỏ bé và mong manh của người Do Thái cải đạo sống trong miền Galilê và Syria.  Họ chịu bách hại và đe dọa từ những người Do Thái anh em bởi vì họ đã nhận Chúa Giêsu là Đấng Cứu Thế và vì đã đón nhận Dân Ngoại.  Để củng cố đức tin của họ, Tin Mừng Mátthêu quả quyết nói rằng Chúa Giêsu thực sự là Đấng Cứu Thế và ơn cứu độ mà Chúa Giêsu đến để mang lại không chỉ riêng cho người Do Thái, mà còn cho tất cả nhân loại.  Trong phần mở đầu sách Tin Mừng, đoạn nói về gia phả của Chúa Giêsu, Mátthêu đã chỉ ra ơn gọi phổ quát của Chúa Giêsu, bởi vì là “con cái của Ábraham” (Mt 1:1-17), Người sẽ là nguồn mạch ân phúc cho mọi dân tộc trên thế gian (xem St 12:3).  Trong chuyến viếng thăm của ba nhà Đạo Sĩ đến từ phương Đông, một lần nữa ông gợi ý rằng ơn cứu độ được ban cho cả Dân Ngoại (Mt 2:1-12).  Trong bài Tin Mừng hôm nay, ông cho thấy rằng ánh sáng chiếu soi trong “miền Galilê của Dân Ngoại”, cũng tỏa sáng bên ngoài biên giới của Israel, trong vùng Thập Tỉnh và bên kia sông Giođan (Mt 4:12-25).  Tiếp theo đó, trong Bài Giảng Trên Núi, Chúa Giêsu sẽ nói rằng ơn gọi của cộng đoàn Kitô hữu phải là “muối cho đất và ánh sáng cho thế gian” (Mt 5:13-14) và Người đòi hỏi phải yêu thương kẻ thù nghịch (Mt 5:43-48).  Chúa Giêsu là Tôi Trung của Thiên Chúa, Đấng loan báo công lý cho muôn dân (Mt 12:18).  Được giúp đỡ bởi người phụ nữ Canaan, Chúa Giêsu đã vượt qua được rào cản của chủng tộc (Mt 15:21-28).  Người cũng khắc phục được những lề luật tinh khiết đã cản trở Tin Mừng được mở ra cho Dân Ngoại (Mt 15:1-20).  Và cuối cùng, khi Chúa Giêsu sai các môn đệ đi khắp muôn dân, tính phổ quát của ơn cứu độ thậm chí còn rõ ràng hơn nữa (Mt 28:19-20).  Trong cùng một cách, các cộng đoàn được kêu gọi để mở lòng mình ra cho tất cả mọi người, không loại trừ một ai, bởi vì tất cả đã được mời gọi để sống như con cái của Thiên Chúa.    

*  Bài Tin Mừng hôm nay mô tả cách mà sứ vụ phổ quát này là được khởi xướng.  Tin ông Gioan Tẩy Giả bị giam trong ngục thúc đẩy Chúa Giêsu bắt đầu công việc rao giảng của mình.  Ông Gioan đã nói rằng:  Anh em hãy ăn năn sám hối vì Nước Thiên Chúa đã đến gần!” (Mt 3:2).  Đây là lý do mà ông bị vua Hêrôđê bắt giữ.  Khi Chúa Giêsu biết ông Gioan đã bị bắt, Người đã trở về miền Galilê rao giảng cùng một thông điệp:  “Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần!” (Mt 4:17).  Nói cách khác, ngay từ đầu, việc rao giảng Tin Mừng đã có rủi ro, nhưng Chúa Giêsu đã không cho phép mình hoảng sợ.  Bằng cách này, Mátthêu khuyến khích các cộng đoàn đang có cùng nguy cơ bị bách hại.  Ông trích dẫn lời của tiên tri Isaia:  “Đoàn dân đang ngồi trong cảnh tối tăm đã thấy một ánh sáng huy hoàng!”  Giống như Chúa Giêsu, các cộng đoàn cũng được mời gọi trở thành “ánh sáng cho muôn dân!”    

*  Chúa Giêsu bắt đầu công bố Tin Mừng khắp miền Galilê.  Người đã không dừng lại, chờ đợi người ta đến, mà Người đi đến với người ta.  Chính Người tham gia vào các buổi họp mặt, trong các Hội Đường, để công bố sứ điệp của Người.  Thiên hạ đem đến mọi kẻ ốm đau, những kẻ bị quỷ ám; và Chúa Giêsu chấp nhận tất cả và đã chữa lành họ.  Việc phục vụ này cho người bệnh tạo thành một phần của Tin Mừng và mặc khải cho mọi người sự hiện diện của Nước Trời.   

*  Do đó, danh tiếng của Chúa Giêsu được lan tỏa ra khắp mọi miền, vượt ra ngoài biên giới của miền Galilê, thâm nhập vào miền Giuđêa, và đến thành Giêrusalem, vượt khỏi vùng Giođan và đến xứ Syria và vùng Thập Tỉnh.  Trong khu vực này cũng có một số cộng đoàn, những người mà Mátthêu đã viết sách Tin Mừng cho họ.  Giờ đây họ biết rằng, cho dù với tất cả mọi khó khăn và rủi ro, đã có ánh sáng chiếu soi trong bóng đêm.   

4.  Một vài câu hỏi gợi ý cho việc suy gẫm cá nhân

  • Thỉnh thoảng, bạn có là ánh sáng cho người khác không?
  • Ngày nay, nhiều người đã sống khép mình trong đạo Công Giáo.  Làm thế nào mà chúng ta có thể sống trong tính phổ quát của ơn cứu độ ngày nay?

5.  Lời nguyện kết

Tân vương lên tiếng:  Tôi xin đọc sắc phong của CHÚA,

Người phán bảo tôi rằng:  “Con là con của Cha,

ngày hôm nay Cha đã sinh ra con.

(Tv 2:7)

Check Also

Đây là lý do tại sao Satan ghét Áo Đức Bà

Date: Time: - Tác giả Philip Kosloski – 16/07/2018 Trong số nhiều á bí tích …