Lc 21:20-28
1. Lời nguyện mở đầu
Lạy Chúa,
xin Chúa hãy gia tăng lòng hăng hái làm theo ý Chúa của chúng con
và giúp chúng con biết quyền năng cứu độ của tình yêu Chúa.
Chúa hằng sống hằng trị cùng với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần,
một Thiên Chúa, đến muôn thuở muôn đời. Amen.
2. Bài Đọc Tin Mừng – Luca 21:20-28
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Khi các con thấy thành Giêrusalem bị các đạo binh vây hãm, bấy giờ các con hãy biết rằng đã gần đến ngày khốc hại của thành. Bấy giờ, ai ở miền Giuđêa, hãy trốn lên núi; ai ở trong thành, hãy bỏ đi nơi khác; ai ở vùng quê, thì chớ vào thành. Thật vậy, đó sẽ là những ngày báo oán, ngày mà tất cả những gì đã chép trong Kinh Thánh sẽ được ứng nghiệm.
Khốn thay những người mang thai và những người đang cho con bú trong những ngày đó! “Vì sẽ có cơn khốn khổ cùng cực trên đất này, và cơn thịnh nộ sẽ giáng xuống dân này. Họ sẽ ngã gục dưới lưỡi gươm, sẽ bị đày đi khắp các dân các nước, và Giêrusalem sẽ bị dân ngoại giày xéo, cho đến khi mãn thời của dân ngoại.”
“Sẽ có điềm lạ trên mặt trời, mặt trăng và các vì sao. Dưới đất, muôn dân sẽ lo lắng hoang mang trước cảnh biển gào sóng thét. Người ta sợ đến hồn xiêu phách lạc, chờ những gì sắp giáng xuống địa cầu, vì các quyền lực trên trời sẽ bị lay chuyển. Bấy giờ thiên hạ sẽ thấy Con Người đầy quyền năng và vinh quang ngự trong đám mây mà đến.
Khi những biến cố ấy bắt đầu xảy ra, các con hãy đứng thẳng và ngẩng đầu lên, vì các con sắp được cứu chuộc.”
3. Suy Niệm
– Trong bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta có sự tiếp nối về Bài Giảng Cánh Chung đưa đến hai dấu chỉ, dấu chỉ thứ bảy và thứ tám, phải xảy ra trước khi thời đại kết thúc hay đúng hơn là trước ngày tận thế để nhường chỗ cho thế giới mới, cho “Trời Mới và Đất Mới” (Is 65:17). Dấu chỉ thứ bảy là sự tàn phá của thành Giêrusalem và dấu chỉ thứ tám là việc xáo trộn của sự sáng tạo cũ.
– Lc 21:20-24: Dấu chỉ thứ bảy: sự tàn phá của thành Giêrusalem. Thành Giêrusalem đối với họ là thành phố Vĩnh Cửu. Và giờ đây nó đã bị phá hủy! Làm thế nào mà có thể giải thích được điều này? Chẳng lẽ Thiên Chúa lại không biết được việc này? Thật là khó cho chúng ta mường tượng ra được sự tổn thương và khủng hoảng niềm tin về việc thành thánh Giêrusalem bị phá hủy gây ra cho các cộng đoàn người Do Thái lẫn Kitô hữu. Tại đây, ta có thể làm một sự quan sát về cách cấu tạo của sách Tin Mừng Luca và Máccô. Thánh Luca viết sách Tin Mừng vào năm 85. Ông dùng sách Tin Mừng của Máccô để soạn cho lời tường thuật của mình về Chúa Giêsu. Thánh Máccô viết sách Tin Mừng vào năm 70, cùng năm mà thành Giêrusalem bị công hãm và tàn phá bởi binh lính La Mã. Đây là lý do mà Máccô lại đưa ra một dấu hiệu cho người đọc: “Khi anh em thấy đồ-ghê-tởm-khốc-hại đứng ở nơi nó không được phép đứng – (và ở đây ông mở một ngoặc đơn và nói) “người đọc hãy lo mà hiểu!” (ông đóng lại ngoặc đơn) – bấy giờ những ai ở miền Giuđêa thì hãy trốn lên núi” (Mc 13:14). Khi thánh Luca đề cập đến việc tàn phá thành Giêrusalem, thành Giêrusalem đã ở trong hoang tàn qua mười lăm năm. Đây là lý do mà ông bỏ qua phần trong dấu ngoặc đơn của Máccô và Luca nói rằng: “Khi anh em thấy thành Giêrusalem bị các đạo binh vây hãm, bấy giờ anh em hãy biết rằng đã gần đến ngày khốc hại của thành. Bấy giờ, ai ở miền Giuđêa, hãy trốn lên núi; ai ở trong thành, hãy bỏ đi nơi khác; ai ở vùng quê thì chớ vào thành. Thật vậy, đó sẽ là những ngày báo oán, ngày mà tất cả những gì đã chép trong Kinh Thánh sẽ được ứng nghiệm. Khốn thay cho những người mang thai và những người đang cho con bú trong những ngày đó! “Vì sẽ có cơn khốn khổ cùng cực trên đất này, và cơn thịnh nộ sẽ giáng xuống dân này. Họ sẽ ngã gục dưới lưỡi gươm, sẽ bị đày đi khắc các dân các nước, và Giêrusalem sẽ bị dân ngoại giày xéo, cho đến khi mãn thời của dân ngoại.” Nghe Chúa Giêsu loan báo về việc bách hại (dấu chỉ thứ sáu) và về sự sụp đổ của thành Giêrusalem (dấu chỉ thứ bảy), độc giả của các cộng đồng bị đàn áp tại thời điểm của Luca đã kết luận rằng: “Đây là ngày của chúng ta! Chúng ta đang ở trong những dấu chỉ thứ sáu và thứ bảy!”
– Lc 21:25-26: Dấu chỉ thứ tám: những thay đổi trên mặt trời và mặt trăng. Khi nào thì tận thế? Và cuối cùng, sau khi đã nói về tất cả những dấu chỉ đó đã được nhận ra, mà vẫn còn có những câu hỏi như sau: “Chương trình của Thiên Chúa thì rất là tiến bộ và các giai đoạn được dự kiến trước bởi Chúa Giêsu thì đang được thực hành. Chúng ta đang ở trong giai đoạn thứ sáu và thứ bảy, còn bao nhiêu giai đoạn hoặc dấu chỉ nữa thì sẽ đến ngày tận thế? Có còn nhiều dấu chỉ nữa không?” Câu trả lời đang được đưa ra trong dấu chỉ thứ tám: “Sẽ có những điềm lạ trên mặt trời, mặt trăng và các vì sao. Dưới đất, muôn dân sẽ lo lắng hoang mang trước cảnh biển gào sóng thét; người ta sợ đến hồn xiêu phách lạc, chờ những gì sắp giáng xuống địa cầu, vì các quyền lực trên trời sẽ bị lay chuyển.” Dấu chỉ thứ tám thì khác với các dấu chỉ kia. Các dấu chỉ ở trên trời và dưới đất là một biểu lộ cho những gì đang xảy ra, đồng thời, tại phần kết thúc của thế giới cũ, của sự tạo dựng cổ xưa, đó là sự khởi đầu cho việc xuất hiện của Trời mới và đất mới. Khi vỏ của quả trứng bắt đầu nứt ra thì đó là dấu hiệu cho thấy điều mới lạ sắp xuất hiện. Đó là sự xuất hiện của một Thế Giới Mới kích động sự tan rã của thế giới cổ đại. Kết luận: chỉ còn rất ít thì giờ! Nước Thiên Chúa đã xuất hiện rồi!
– Lc 21:27-28: Nước Thiên Chúa sắp đến và sự xuất hiện của Con Người. “Bấy giờ thiên hạ sẽ thấy Con Người đầy quyền năng và vinh quang ngự trong đám mây mà đến. Khi những biến cố ấy bắt đầu xảy ra, các con hãy đứng thẳng và ngẩng đầu lên, vì các con sắp được cứu chuộc.” Trong lời loan báo này, Chúa Giêsu mô tả việc Nước Trời sắp đến với hình ảnh được trích từ lời tiên tri của ngôn sứ Đanien (Đn 7:1-14). Ngôn sứ Đanien nói rằng, sau những bất hạnh tạo ra bởi các vương quốc trên thế gian này, Nước Thiên Chúa sẽ đến. Tất cả các vương quốc của thế gian này đã chọn biểu tượng là thú vật: sư tử, báo, gấu, và mãnh thú hung tợn (Đn 7:3-7). Đây là những dấu hiệu thú vật làm mất đi nhân tính của sự sống, giống như nó xảy ra với vương triều tân tự do ngày nay! Nước Thiên Chúa sau đó xuất hiện với khía cạnh của Con Người, đó là, với khía cạnh của loài người (Đn 7:13). Đó là vương quốc của loài người. Để kiến tạo vương quốc nhân tính này là nhiệm vụ của những người trong cộng đoàn. Đó là trang lịch sử mới mà chúng ta phải hoàn thành và tập hợp người ta lại từ bốn phương trời. Danh hiệu Con Người là danh xưng mà Chúa Giêsu ưa dùng. Trong bốn sách Tin Mừng, danh xưng này xuất hiện hơn 80 (tám mươi) lần! Bất kỳ nỗi đau khổ nào mà chúng ta phải chịu từ bây giờ, bất kỳ cuộc đấu tranh nào vì sự sống, bất kỳ sự bách hại nào vì lợi ích của lẽ công chính, bất kỳ nỗi đau lúc lâm bồn, là hạt giống của Vương Quốc sẽ đến trong dấu chỉ thứ tám.
4. Một vài câu hỏi gợi ý
– Việc bách hại các cộng đoàn, sự hủy diệt của thành Giêrusalem. Việc thiếu niềm hy vọng. Đứng trước những biến cố ngày nay khiến cho người ta bị đau khổ, có làm làm tôi thất vọng không? Điều gì là nguồn hy vọng của tôi?
– Con Người là danh hiệu mà Chúa Giêsu ưa sử dụng. Chúa muốn đời sống đầy lòng nhân đạo. Càng là đầy lòng nhân đạo thì lại càng giống thiên tính như Đức Giáo Hoàng Lêô Cả đã nói. Tôi có là con người trong mối quan hệ của tôi với người khác không? Tôi có lòng nhân đạo không?
5. Cầu nguyện:
Bởi vì CHÚA nhân hậu,
muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương,
qua bao thế hệ, vẫn một niềm thành tín.
(Tv 100:5)