Một người lính lấy giáo đâm vào cạnh sườn Chúa Giêsu
Ga 19:31-37
Mùa Thường Niên
- Đọc và Tìm Hiểu Lời Chúa (Lectio)
a) Lời nguyện mở đầu
Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho chúng con có thể đứng trước Lời Chúa trong thái độ lắng nghe. Xin Chúa giúp cho chúng con được tĩnh lặng, không hời hợt hoặc lo ra. Nếu chúng con suy gẫm Lời Chúa, thì chắc chắn chúng con sẽ trải qua kinh nghiệm tràn ngập sự dịu dàng, lòng trắc ẩn và tình yêu thương từ trái tim bị đâm thâu của Chúa chảy tràn trên nhân loại. Xin cho chúng con có thể hiểu được biểu tượng của nước và máu chảy ra từ trái tim của Chúa. Xin ban cho chúng con cũng có thể gom lại được máu và nước đó để chúng con có thể san sẻ tình yêu và cuộc thương khó vô hạn của Chúa khi Người trải qua mọi đau khổ về thể chất cũng như tinh thần. Nguyện xin cho sự suy niệm của chúng con về những biểu tượng đó sẽ phá vỡ chủ nghĩa vị kỷ, tính tự cao, và sự thờ ơ lãnh đạm của chúng con. Nguyện xin cho nước và máu được đề cập đến trong bài Tin Mừng hôm nay sẽ làm dịu đi những lo âu phiền muộn của chúng con, sẽ cất đi tính tự đắc, thanh tẩy lòng tham lam của chúng con, biến nỗi sợ hãi của chúng con thành hy vọng và bóng tối của chúng con thành ánh sáng. Để khi chúng con mở lòng đón nhận sức mạnh của Lời Chúa, chúng con sẽ thưa với Chúa bằng cả trái tim và linh hồn: “Lạy Chúa Giêsu, Chúa thực sự là sự mặc khải của tình yêu”.
b) Bài Đọc Tin Mừng – Gioan 19:31-37
31 Bởi lẽ là Ngày Chuẩn Bị, và để tránh cho các tử thi không còn treo trên thập giá trong ngày Sabbát, vì ngày Sabbát là một ngày trọng đai, những người Do Thái xin Philatô cho hạ các tử thi xuống, sau khi đánh giập ống chân. 32 Bấy giờ những người lính đến, đánh giập ống chân người thứ nhất và người thứ hai cùng bị đóng đinh với Chúa Giêsu. 33 Khi đến gần Chúa Giêsu, chúng thấy Người đã chết, nên không đánh giập ống chân Người; 34 nhưng một tên lính lấy ngọn giáo đâm thủng cạnh sườn Người, và lập tức máu cùng nước chảy ra. 35 Và kẻ đã xem thấy, thì đã minh chứng, mà lời chứng của người đó chân thật, và người đó biết rằng mình nói thật để cả chư vị cũng tin. 36 Những điều đó đã xảy ra để ứng nghiệm lời Kinh Thánh rằng: “Không một cái xương nào của Người bị đánh giập.” 37 Và lại có lời Kinh Thánh khác rằng: “Chúng sẽ nhìn vào Đấng chúng đã đâm thâu qua.”
c) Giây phút thinh lặng
Hãy để cho sự im lặng trong cuộc gặp gỡ này với Ngôi Lời thực sự là một lời cầu nguyện: một cuộc trò chuyện với Thiên Chúa, một sự lắng nghe với Đấng đã tỏ mình ra, gọi bạn, và kêu mời bạn trở nên một với Người.
- Suy Niệm (Meditatio)
a) Chìa khóa dẫn đến bài đọc – nội dung và phân đoạn
Đoạn Tin Mừng này bắt đầu với việc đề cập đến Lễ Vượt Qua của người Do Thái với lời thỉnh cầu lên Philatô (19:31). Đối với Thánh Sử, một sự kiện như thế có tầm quan trọng đặc biệt. Trọng tâm của đoạn Tin Mừng là việc đâm thủng cạnh sườn lập tức máu và nước cùng chảy ra. Chúng ta nên lưu ý những biểu tượng trong đoạn văn này: máu tượng trưng cho cái chết và tình yêu đến cùng; nước mà từ đó đem đến sự sống là biểu tượng của tình yêu được bày tỏ và thông tri. Trong bối cảnh của Lễ Vượt Qua, những biểu tượng này chỉ về máu của Con Chiên, Đấng chiến thắng sự chết, và nước, nguồn mạch để thanh tẩy. Những biểu tượng này cho thấy rằng tình yêu này (máu) cứu rỗi bằng cách cho đi toàn bộ sự sống của nó (nước-Thần Khí). Điều mà Thánh Sử đã chứng kiến, là nền tảng của đức tin. Đoạn văn được sắp xếp như thế: trước hết nhiệm vụ phải nghỉ ngơi vào ngày lễ dẫn đến việc xin Philatô cho hạ xác các tử tội xuống (19:31); tiếp theo đó là cảnh tượng trên cây thập giá khi người lính đâm thủng cạnh sườn Chúa Giêsu (19:32-34); cuối cùng là lời chứng của Thánh Sử, dựa trên Lề Luật và các Ngôn Sứ (19:35-37).
b) Việc chôn cất trong dịp lễ và lời thỉnh cầu với Philatô (19:31):
Các kẻ lãnh đạo Do Thái, bởi vì lề luật thanh sạch mà lễ Vượt Qua đòi hỏi đã gần kề, và lo ngại rằng việc xử tử Chúa Giêsu có thể làm xúc phạm đến ngày Sabbát hoặc thậm chí toàn cả lễ Vượt Qua: “xin Philatô cho hạ các tử thi xuống, sau khi đánh giập ống chân”. Họ không hề biết rằng Lễ Vượt Qua của họ đã được thay thế bằng Lễ Vượt Qua của Chúa Giêsu. Việc đề cập đến các tử thi thì quan trọng. Việc đề cập không chỉ nói về tử thi của Chúa Giêsu, mà cũng còn nói về tử thi của những kẻ bị đóng đinh chung với Người, như thể bày tỏ tình liên đới của Chúa Giêsu với những kẻ chịu đóng đinh cùng Người và với toàn thể nhân loại.
Đối với Thánh Sử, thi thể của Chúa Giêsu trên thập giá, khiến Người nên một với nhân loại, là Đền Thờ Thiên Chúa (2:21). Các thi thể của những kẻ bị đóng đinh không thể để ở lại trên cây thập giá vào trong ngày Sabbát, bởi vì nó liên quan đến việc chuẩn bị cho ngày lễ long trọng nhất theo truyền thống người Do Thái. Dù sao chăng nữa, ngày lễ này sẽ mất đi ý nghĩa truyền thống của nó và sẽ được thay thế bằng lễ kỷ niệm cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu.
“Người Do Thái” đưa ra thỉnh cầu cụ thể với quan Philatô: rằng ống chân của những kẻ bị đóng đinh phải bị đánh giập để tử tội chết nhanh chóng hơn và do đó tránh được vấn nạn cho họ phải gặp vào thời điểm đặc thù đó. Không có một sự thỉnh cầu nào trong số này được thực hiện trong trường hợp của Chúa Giêsu: các quân lính không đánh gãy ống chân Người, họ cũng chẳng hạ xác Người xuống khỏi thập giá.
c) Cạnh sườn bị đâm thâu (19:32-33):
Những quân lính đánh giập ống chân những người cùng đóng đinh với Chúa Giêsu, nhưng khi họ đến gần Đức Giêsu, họ thấy “Người đã chết, và thay vì đánh giập ống chân Người…” Điều quan trọng là những quân lính đánh giập ống chân của những kẻ bị đóng đinh cùng với Chúa Giêsu. Những người này vẫn còn sống và lúc ấy Chúa Giêsu đã chết, thì họ cũng có thể chết. Như thể Chúa Giêsu chết trước họ, qua cái chết của Người đã mở đường cho họ đến với Chúa Cha và giờ đây họ có thể đi theo Người. Bằng cách nói rằng họ đã không đánh giập ống chân Chúa Giêsu, Thánh Sử dường như đang nói rằng: không ai có thể lấy đi sự sống của Chúa Giêsu, bởi vì Người đã tự hiến mạng sống mình (10:17 và các câu kế tiếp; 19:30). “một tên lính lấy ngọn giáo đâm thủng cạnh sườn Người, và lập tức máu cùng nước chảy ra”. Người đọc có thể ngạc nhiên trước hành động của tên lính vì Chúa Giêsu đã chết. Cần gì phải lấy giáo đâm thủng cạnh sườn Người như vậy? Có vẻ như sự thù nghịch vẫn tiếp diễn ngay cả sau khi chết. Đâm thủng bằng mũi giáo như muốn tiêu diệt Người mãi mãi. Hành động thù hận này đã để cho Chúa Giêsu ban bố một tình yêu sinh ra sự sống. Sự thật này cực kỳ quan trọng và chứa đựng vô vàn ý nghĩa. Máu chảy ra từ cạnh sườn Chúa Giêsu tượng trưng cho cái chết của Người, cái chết mà Người chấp nhận để cứu rỗi nhân loại; đó là sự bày tỏ sự vinh hiển và tình yêu của Người cho đến cùng (1:14; 13:1); đó là món quà của người mục tử dành cho đoàn chiên của mình (10:11); đó là tình yêu của người bạn đã hiến mạng sống của mình cho bạn hữu (15:13). Bằng chứng tình yêu cao cả nay, không hề thay đổi khi phải đối mặt với đau khổ của cái chết trên thập giá, là đối tượng để chúng ta chiêm niệm trong ngày lễ trọng này về Thánh Tâm Chúa Giêsu. Từ cạnh sườn bị đâm thủng của Người chảy ra tình yêu, tình yêu của Người và đồng thời cũng là tình yêu bất phân ly của Chúa Cha. Nước chảy ra cũng tượng trưng cho Thần Khí, nguồn mạch của sự sống. Máu và nước làm chứng cho tình yêu của Người đã được cổng bố và thông tri. Sự ám chỉ đến các biểu tượng nước và rượu tại tiệc cưới Cana thì rõ ràng: thời khắc đã đến để Chúa Giêsu ban rượu tình yêu của Người. Giờ đây tiệc cưới nhất định đã xảy ra. Lề luật yêu thương chân thành và tối cao (1:17) được thể hiện trên cây thập giá, được lặp lại trong giới răn của Người, “hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương các con” (13:34), được tuôn đổ vào tâm hồn các tín hữu bởi Chúa Thánh Linh. Chương trình yêu thương của Thiên Chúa được ứng nghiệm nơi Chúa Giêsu trong việc máu và nước tuôn ra (19:28-30); bây giờ là lúc mọi người nhận ra sự ứng nghiệm. Trong sự ứng nghiệm này, chúng ta sẽ được sự trợ giúp bởi Chúa Thánh Linh tuôn ra từ cạnh sườn bị đâm thủng của Chúa Giêsu, biến đổi chúng ta thành con người mới, có khả nâng yêu thương và trở thành con cái Thiên Chúa (1:12).
d) Lời chứng của Thánh Sử và Kinh Thánh:
Với cảnh Chúa Giêsu bị đâm thâu trên thập giá, Thánh Sử đưa ra chứng cớ của một lời chứng long trọng và trọng thể để tất cả những ai lắng nghe Người đều có thể tin. Lời biểu lộ cuối cùng và quan trọng nhất này sẽ tạo nên nền tảng đức tin của các môn đệ tương lai. Chúng ta nên lưu ý rằng chỉ tại đây, Thánh Sử mới nói với các độc giả của mình bằng chữ “chư vị” trong thể số nhiều: “để cả chư vị cũng tin”.
Cạnh sườn bị đâm thâu của Chúa Giêsu trên thập giá là dấu hiệu tuyệt vời hướng về tất cả những người được đề cập qua suốt các sách Tin Mừng đồng quy, nhưng hơn hết cả, tất cả các độc giả ngày nay, những người được ban ơn để hiểu được đầy đủ ý nghĩa về sự hiện hữu của Chúa Giêsu. Đối với Thánh Sử, đoạn Tin Mừng liên quan đến cạnh sườn bị đâm thâu là chìa khóa giải thích việc hiến thân để cứu rỗi nhân loại. Ngay cả khi một dấu chỉ như thế có vẻ nghịch lý đối với độc giả hiện đại, trong kế hoạch của Thiên Chúa, nó trở thành biểu hiện quyền năng cứu rỗi của Người. Chẳng lẽ Thiên Chúa chọn một dấu chỉ khác cho tình yêu cứu độ của Người sao? Tại sao Người lại chọn dấu chỉ của một người bị kết án tử hình và chết trên thập giá? Chúng ta thấy hình ảnh nào của Thiên Chúa trong dấu chỉ này? Thiên Chúa chỉ tỏ mình qua tình yêu quảng đại có khả năng ban sự sống.
e) Một vài câu hỏi cá nhân
– Việc chiêm niệm trái tim bị đâm thâu của Chúa Giêsu giữ vị trí nào trong lời cầu nguyện riêng của bạn? Bạn có để cho mình được tham dự vào các biểu tượng của máu và nước tượng trưng cho ân sủng nhiệm mầu của Thiên Chúa dành cho bạn và cho cả nhân loại không?
– Bạn có bao giờ nghĩ rằng vào lúc bạn phản nghịch lại Thiên Chúa và cái chết của Chúa Giêsu nhất, thì lúc ấy lại là lúc bắt đầu của ân sủng, lòng thương xót, món quà tặng của Chúa Thánh Linh và của đời sống đức tin không?
– Bạn nhìn thấy các khuyết điểm của mình như thế nào? Bạn có thấy chúng là phượng tiện cho lòng thương xót, đặc biệt là khi bạn sẵn sàng thừa nhận chúng không? Bạn có biết rằng chúng là công cụ cho Thiên Chúa dùng để cảm hóa lòng bạn, để cứu rỗi bạn, để tha thứ cho bạn, và để ban cho bạn cuộc sống mới để yêu thương trong tình yêu không?
– Những người rời xa Thiên Chúa, những người trẻ khó tính, bạo lực, thù địch… thường nảy sinh trong chúng ta những lời ai oán, khó chịu, cay đắng và hoài nghi. Bạn đã có bao giờ nghĩ rằng rất nhiều người, nam, nữ, các thanh niên đang ở trong khám đường hoặc trong các nơi tập trung dành cho người nghiện ngập, trải qua kinh nghiệm trong những người giúp họ gặp gỡ Chúa và vì thế cảm thấy được Chúa yêu thương và cứu rỗi không?
- Cầu Nguyện (Oratio)
a) Sách Tiên Tri Isaia 12:2, 4, 5-6
Đây chính là Thiên Chúa cứu độ tôi,
Tôi tin tưởng và không còn sợ hãi,
Bởi vì ĐỨC CHÚA là sức mạnh tôi,
Là Đấng tôi ca ngợi, chính Người cứu độ tôi.
Các bạn hãy nói lên trong ngày đó:
Hãy tạ ơn ĐỨC CHÚA, cầu khẩn danh Người,
Vĩ nghiệp của Người, loan báo giữa muôn dân,
Và nhắc nhở: danh Người siêu việt.
Đàn ca lên mừng ĐỨC CHÚA,
Vì Người đã thực hiện bao kỳ công;
Điều đó, phải cho toàn cõi đất được tường.
Dân Sion, hãy reo hò mừng rỡ,
Vì giữa người, Đức Thánh của Israel quả thật là vĩ đại!
b) Lời Nguyện Kết:
Vào lúc kết thúc của buổi lắng nghe Lời Chúa này, chúng ta hãy dùng sự trợ giúp của những lời cầu nguyện đến từ việc học hỏi Kinh Thánh một cách khôn ngoan và yêu thương. Lời cầu nguyện bắt đầu bằng việc lắng nghe và dẫn đến việc làm “với trái tim trong sáng và lương tâm ngay thẳng”. Tựa đề của lời cầu nguyện là “Lạy Chúa, xin cho con biết yêu thương!”: Đó có phải là một giấc mơ hão huyền khi tưởng tượng ra một nhân loại đoàn kết, nơi mà tất cả mọi người đều vui mừng sống chung với người khác và cảm thấy hữu dụng, được thông cảm và được yêu thương không? Lạy Chúa, nhân loại, trong quá khứ, hiện tại và trong tương lai, đã mơ ước và sẽ có ước mơ như thế! Nhu cầu hiệp nhất và mong ước sống bác ái thì nằm trong bản chất loài người. Yêu thương, luật hợp nhất vũ trụ, là lý do và là ơn gọi mà Chúa giao phó cho mọi người đến trong cuộc sống. Sống có nghĩa là cảm thấy được yêu thương và có thể yêu thương. Khi một người cảm thấy cô đơn, trống rỗng, không có tình yêu thương, thì dường như cuộc sống vô giá trị và nhạt nhẽo! Vậy thì lạy Chúa, tại sao tất cả mọi người không luôn tìm kiếm tình yêu thương, cũng như tất cả mọi người không sống vì người khác, cũng không có khả năng hy sinh chính mình? Hy sinh vì người khác có nghĩa là biến sự hiện hữu của thế giới trở thành món quà tặng. Lạy Chúa, xin ban cho con có thể hiểu và sống ơn gọi yêu thương tuyệt vời này! (Gm Lucio Renna)
- Chiêm Niệm (Contemplatio)
Ở thế gian, sự hiểu biết chúng ta có thể có về Thiên Chúa là sự im lặng thiêng liêng. Qua việc cầu nguyện chiêm niệm Lectio Divina, lòng khao khát Lời Chúa của chúng ta không bi nguội lạnh mà còn trở nên sâu sắc hơn. Thánh Augustinô đã nói: “Bạn đi tìm Chúa chỉ để tìm kiếm Người một cách cuồng nhiệt hơn”. Khi một con tim bị Lời Chúa quyến rũ, nó cảm thấy như thể nó đang chết dần mòn nếu cuộc gặp gỡ bị trì hoãn. Đây là những gì thánh Têrêsa thành Avila đã trải qua: “Tôi chết vì tôi không chết”. Để bắt đầu giây phút chiêm niệm này, tôi muốn trích dẫn ba câu nói của Chân Phước Êlisabéth Thiên Chúa Ba Ngôi. Chúng được trích ra từ bài “thánh ca” đau khổ, nhưng chúng ta không nên nghĩ rằng đau khổ là Đấng Tuyệt đối trong cuộc sống của bà. Đúng hơn bà nói rằng chúng ta được kêu gọi để “bước vào niềm vui của Chúa”. Ý tưởng đầu tiên là: “Đau khổ là một điều tuyệt vời, một điều thiêng liêng! Đối với tôi, dường như nếu các thánh trên thiên đàng có thể ganh tị với chúng ta một điều, thì họ sẽ ganh tị với chúng ta về kho báu này. Đó quả là một đòn bẩy mạnh mẽ vào trái tim của Thiên Chúa nhân từ!” (Thư gủi bà Angles, ngày 14 tháng 8 năm 1904). Ý tưởng thứ hai là: “Đau khổ là một sợi dây tạo ra những âm thanh thậm chí còn du dương trầm bổng hơn và linh hồn ưa thích dùng nó trở thành nhạc cụ để tiến gần đến trái tim của Thiên Chúa cách đẹp đẽ hơn” (Tĩnh tâm về cách tìm kiếm thiên đàng trên thế gian). Ý tưởng cuối cùng là: “Không có điều gì lay chuyển được trái tim của Thiên Chúa bằng sự đau khổ. Nếu chúng ta không thể mong muốn hoặc không thể đáp ứng được điều đó, thì ít nhất chúng ta cũng có thể chấp nhận những thử thách mà Thiên Chúa gửi đến cho chúng ta. Thiên Chúa càng yêu thương một linh hồn thì Người càng để cho nó chịu đau khổ” (Nhật ký, ngày 17 tháng 3 năm 1889). Tại sao Chân Phước Êlisabéth Thiên Chúa Ba Ngôi lại nhìn thấy trong đau khổ “một điều tuyệt vời như thế, một điều thiêng liêng làm lay động trái tim Thiên Chúa như thế?” Bởi vì đó là con đường Đức Kitô đã đi qua. Cuộc Vượt Qua của Chúa Giêsu, cuộc khổ nạn và cái chết một bên và sự phục sinh ở phía bên kia đều là như mặt gương lồi và mặt lõm.